Chiều 7/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn. Điều hành nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tiếp tục chương trình Kỳ họp, Quốc hội tiếp tục chất vấn tại hội trường về lĩnh vực nội chính và tư pháp.
Cuối giờ sáng 7/11, Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm: Vừa qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nêu khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Với vai trò quản lý Nhà nước, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ đã có giải pháp như thế nào đối với những vướng mắc trên?
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, về công tác phòng cháy, chữa cháy, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an các đơn vị, địa phương tổ chức hội nghị về các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy đối với 17 địa phương trọng điểm.
Đồng thời, Bộ cũng đã chỉ đạo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để công an các đơn vị, địa phương thực hiện thống nhất…
Đến nay, công an các địa phương đã rà soát lại tất cả các cơ sở có khó khăn, vướng mắc và trực tiếp làm việc, hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy; thành lập các tổ công tác trực tiếp đến 100% các cơ sở còn tồn tại, vi phạm để hướng dẫn các giải pháp, biện pháp khắc phục tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.
Trên cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tính đến 30/10/2023, 100% các dự án xây dựng mới, khoảng 1.853 dự án, công trình xây dựng mới có khó khăn, vướng mắc đã được hướng dẫn và thống nhất tiếp thu, chỉnh sửa, không còn vướng mắc trong quá trình tổ chức thiết kế, hoàn thiện hồ sơ để thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy… Đến nay, có 15.536 trên tổng số 38.140 cơ sở khắc phục tồn tại vi phạm phòng cháy chữa cháy, đạt 40%.
Về vướng mắc liên quan sơn chống cháy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đây là vấn đề hết sức kỹ thuật. Sau khi hướng dẫn, các chủ đầu tư thấy khó khăn, vướng mắc là do đơn vị tư vấn, chủ đầu tư chưa nắm vững kịp thời các quy định về phòng cháy chữa cháy. Việc lựa chọn nhà thầu có năng lực hạn chế nên dẫn đến việc thực hiện chưa đúng quy định.
Người đứng đầu Bộ Công an nêu thêm thực tế, không phải tất cả các dự án phải gia tăng giới hạn chịu lửa của kết cấu thép mới phải dùng sơn chống cháy, mà còn nhiều giải pháp khác. Như các nhà máy sản xuất hạng C, chịu lửa bậc 4 trở lên, có diện tích trên 25.000 m2 mới cần gia tăng giới hạn chịu lửa của kết cấu thép. Nếu sử dụng sơn chống cháy phải thử nghiệm trước khi thi công. Việc này nhiều đơn vị trước khi thi công, nghiệm thu không có kết quả thử nghiệm hay thử nghiệm không đạt kết quả, nên không nghiệm thu.
Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, đến nay, sau khi có chỉ đạo, hướng dẫn cặn kẽ của các lực lượng, Bộ Công an chưa nhận thêm phản ánh nào về việc này.
Thu Trang/Báo Tin tức